Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE - ĐÔI ĐIỀU CẦN BIẾT UPDATE


BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE - ĐÔI ĐIỀU CẦN BIẾT
Hiện nay bệnh dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, tính đến tuần 33 cả nước đã ghi nhận 90.629 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (54.003/17) số mắc tăng 67,8%, số tử vong tăng 7 trường hợp. So với số liệu 5 tuần trước đây (49.209/tuần 28) số mắc đã tăng gần gấp đôi.
Vậy bệnh sốt xuất huyết là gì? biểu hiện của bệnh thế nào? các biện pháp phòng tránh bệnh ra sao? Hy vọng một số thông tin dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bệnh cùng với các biện pháp phòng tránh nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình tốt hơn.
1. Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì?
Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do muỗi vằn truyền. Hiện nay bệnh vẫn không có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng nên có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mọi người đều có thể bị mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn.


2. Bệnh sốt xuất huyết Dengue biểu hiện như thế nào?
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểmgiai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm ca bệnh, điều trị đúng và kịp thời sẽ hạn chế được số ca tử vong.
Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 – 7 ngày và có thể có các dấu hiệu sau:
+ Biểu hiện xuất huyết có thể ở nhiều mức độ khác nhau như: có  chấm/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
+ Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn.
+ Da xung huyết, phát ban.
+ Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
Bệnh nhân chuyển nặng khi có thêm các dấu hiệu sau:
- Vật vã, lừ đừ, li bì.
- Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.
- Gan to > 2 cm.
- Nôn - nhiều.
- Xuất huyết niêm mạc.
- Tiểu ít.
- Sốc: mạch nhanh, huyết áp tụt, kẹt.
- Xuất huyết nặng
Cần phát hiện sớm các dấu hiêu chuyển nặng để chuyển viện điều trị kịp thời, tránh tử vong.
3. Bệnh lây lan như thế nào?
Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang vi rút sau đó truyền vi rút sang người lành qua vết đốt. Ở Việt Nam, hai loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue là Aedes aegypti và Aedes albopictus – còn gọi là muỗi vằn. Diệt muỗi, đặc biệt là diệt lăng quăng/bọ gậy là biện pháp tốt nhất phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Muỗi vằn (hay còn gọi là muỗi hoa) truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue là loài muỗi ưa thích đốt hút máu người nên thường sống trong nhà và đậu nghỉ ở chỗ ẩm, tối hoặc các vật dụng có mùi mồ hôi người như trong nhà vệ sinh, buồng tắm, quần áo mặc dở, mũ xe máy, mũ len, mũ vải, rèm, giá sách. Muỗi có thể đốt người cả ngày nhưng thường nhiều hơn vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Muỗi vằn thường đẻ trứng ở các đồ vật chứa nước sạch trong và xung quanh nhà như: bể, thùng, xô chậu chứa nước ăn; bể chứa nước rửa, nước dội nhà vệ sinh; các bể cảnh, hòn non bộ, chậu cây cảnh, lọ hoa có nước; các phế liệu phế thải đọng nước mưa…. Vào mùa hè hay mùa mưa nhiều, độ ẩm và nhiệt độ cao, có nhiều ổ nước đọng cùng với những dụng cụ tích trữ nước ăn, nước sinh hoạt là điều kiện thuận lợi cho các loại muỗi phát triển, trong đó có loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
4. Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu chưa?
Chưa, tuy nhiên bệnh dịch có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình phòng tránh bệnh.
5. Để phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue cần thực hiện các biện pháp gì?
Để diệt muỗi và bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, chúng ta không nên tự ý mua hóa chất diệt muỗi về phun vì nếu phun không đúng kỹ thuật, không đúng liều lượng và không đúng chủng loại hóa chất đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng sẽ không có hiệu quả diệt muỗi, ngược lại còn ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, người già và người mắc các bệnh mãn tính về đường hô hấp hoặc làm tăng tính kháng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Khi có nhu cầu về phun hóa chất diệt muỗi cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn như Trung tâm y tế các huyện, tỉnh, thành phố, hoặc Viện Vệ sinh-Dịch tễ, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng.


Để diệt bọ gậy, chúng ta có thể thực hiện thường xuyên các biện pháp đơn giản, rẻ tiền như sau:
+ Thả cá vào các bể, phi chứa nước, hòn non bộ; bể cảnh (cá thường dùng là các loại cá nhỏ như cá muỗi, cá bảy màu, cá rô, cá sóc…)
+ Thay nước 1 tuần/1 lần với các lọ hoa, cây cảnh có nước;
+ Thu gom phế liệu phế thải 1 tuần/ 1 lần;
+ Che đậy các dụng cụ có khả năng đọng nước trong và xung quanh nhà;
+ Thả Abate (hóa chất diệt bọ gậy) vào các chậu cảnh, bể cảnh có nước theo hướng dẫn của cán bộ y tế xã phường.
Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết Dengue, chúng ta cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
  1. Hàng tuần chủ động thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy; giữ vệ sinh môi trường nơi sinh sống.
  2. Ngủ nằm màn tránh muỗi đốt kể cả ban ngày;
  3. Chủ động, tích cực phối hợp với cán bộ Y tế và Ban, Ngành, Đoàn thể trong các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết;
  4. Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết Dengue để được khám, tư vấn; không nên tự ý điều trị tại nhà;
  5. Thông báo ngay cho Trạm y tế công ty/xã, phường hoặc Trung tâm Y tế các quận, huyện khi phát hiện có người nghi mắc bệnh.
Lưu ý:
Nếu có sốt cao, mặt đỏ mà không kèm theo dấu hiệu viêm đường hô hấp trên như sổ mũi, ho; uống thuốc hạ sốt nhưng lại sốt lại ngay sau 4-5h thì phải coi chừng sốt xuất huyết Dengue.

Tài liệu tham khảo:
Thông tin chi tiết về bệnh, danh sách địa phương có dịch bệnh số xuất huyết tham khảo tại Website Cục Y tế dự phòng: vncdc.gov.vn và Bộ Y tế: moh.gov.vn.


Ngày 15 tháng 9 năm 2017

Phòng khám Xuân Tuyên

           


0 nhận xét :

Đăng nhận xét